QUẢN LÝ CHUNG CƯ NHÌN TỪ GÓC ĐỘ VĂN HÓA

Quản lý chung cư nhìn từ góc độ văn hóa
Quản lý chung cư nhìn từ góc độ văn hóa
Cùng với quá trình đô thị hóa, các tòa nhà chung cư, cao ốc cũng ngày càng nhiều, nhất là tại các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội. Những cư dân sống ở các tòa nhà chung cư hầu hết đều đến từ nhiều vùng miền khác nhau và có xuất phát điểm, trình độ học vấn, địa vị xã hội khác nhau.

Điều này tạo nên sự mâu thuẫn trong văn hóa ứng xử giữa các cư dân với nhau nói riêng và ảnh hướng tới một văn hóa cộng đồng nói chung.

TP.HCM với gần 13 triệu dân, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư. Hằng năm, Thành phố có khoảng 50.000 cặp vợ chồng trẻ kết hôn cần nhà ở. Ngoài ra, lượng dân nhập cư vào Thành phố ngày càng lớn, trong đó rất nhiều người cần có nhà. Chưa kể đến số lượng sinh viên ra trường mỗi năm có nhu cầu ở lại thành phố làm việc khá cao. Do đó, để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, các chủ đầu tư đã cho xây dựng hàng loạt dự án chung cư trên địa bàn Thành phố và căn hộ chung cư vẫn là lựa chọn tốt nhất của nhiều người.

Chị Tâm, quận 2, TP.HCM cho biết, ở chung cư là lựa chọn tối ưu nhất với gia đình chị, bởi vợ chồng thường xuyên phải đi công tác xa, nên ở chung cư sẽ được an toàn hơn và cũng phù hợp với thu nhập của gia đình chị.

Cũng như vậy quản lý chung cư nhìn từ góc độ văn hóa

Tương tự, anh Nghĩa, quận 4, TP.HCM cũng chia sẻ, ở chung cư thì các tiện ích xung quang cũng khá đầy đủ, hơn nữa, không khí cũng trong lành và yên tĩnh. Trong khi đó, một số người lựa chọn nhà chung cư bởi không phải sống chung với mùi xăng xe trong nhà.

Anh Tuấn Anh, quận 12 phân tích, nếu chọn nhà phố thì diện tích phòng khách buổi tối trở thành nhà để xe, còn nếu ở trong những con hẻm nhỏ, thì hầu như phải để xe trong nhà suốt.

“Nếu mua nhà phố giá 40 triệu đồng/m2, thì coi như mình đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng để làm chỗ để xe, trong khi ở chung cư thì xe để dưới hầm, phòng trong nhà luôn sạch sẽ”, anh Tuấn Anh chia sẻ.

Tuy nhiên, khi sống ở chung cư thì không chỉ có mỗi gia đình mình, mà có hàng chục, hàng trăm hộ khác sống chung trong tòa nhà. Nếu gặp phải một số hộ ý thức kém, không chấp hành theo đúng nội quy, thì sẽ làm ảnh hưởng tới không gian của mọi người xung quanh.

Chị Lan, cư dân sống trong chung cư được hơn 3 năm cho biết, đối với chị, cuộc sống ở chung cư tương đối ổn. Nhưng điều làm chị bức xúc nhất hiện nay không phải là vấn đề liên quan đến dịch vụ của tòa nhà, mà là việc hành lang chung đang bị một số hộ chiếm dụng.

Theo ghi nhận của phóng viên Đầu tư Bất động sản tại một số chung cư trên địa bàn TP.HCM, thì hành lang chung được người dân tận dụng để kê tủ để dày, xe đạp của trẻ con hoặc bàn ghế ngồi uống nước, thậm trí là cả máy tập thể thao. Do sử dụng chủ yếu bằng thang máy, nên cầu thang bộ được sử dụng để chất thải, hoặc tay vịn cầu thang biến thành chỗ phơi quần áo.

Trong khi đó, có người hút thuốc lá xong lại không dập tắt tàn thuốc, có trường hợp hút thuốc từ tầng trên rồi vất xuống tầng dưới. Điều này tiểm ẩn nguy cơ hỏa hoạn rất cao, mà đường thoát hiểm đang bị bưng bít bởi những đồ dùng gia đình.

Ông Tuấn, thành viên Ban quản trị Chung cư An Phú (quận 2, TP.HCM) cho biết, ban quản trị đã có nội quy để quản lý chung cư, nhưng ở đâu cũng vậy, cũng có những người nhận thức được và cũng có người chưa nhận thức được mỹ quan chung. Đối với những trường hợp vi phạm, biện pháp chủ yếu vẫn là nhắc nhở, sau nhiều lần nhắc nhở mà vẫn tái phạm thì sẽ sử dụng văn bản.

“Sau các biện pháp trên mà vẫn tái phạm, thì ban quản trị sẽ tiến hành không cung cấp các dịch vụ như điện, nước tới hộ dân vi phạm. Nhưng việc này rất hãn hữu”, ông Tuấn chia sẻ.

Một người dân sống tại quận Thủ Đức cho biết, người dân sống trong khu chung cư vốn quen với lối sống cá nhân. Do đó, khi đến ở chung cư vẫn còn cư xử rất tùy tiện, ảnh hưởng đến cộng đồng xung quanh. Để giải quyết tình trạng trên, ngoài những quy định, nội quy từ ban quản lý ra, thì ban quản lý phải phối hợp với tổ dân phố thường xuyên vận động, tuyên truyền tới từng hộ dân để người dân dần dần thay đổi thói quen, nhưng đây không phải chuyện một sớm một chiều là làm được.

Khi chúng ta đến ở một chung cư nào đó, cũng giống như đến ở một ngôi nhà lớn, “nhập gia thì phải tùy tục”, nên phải tuân theo những quy định của ngôi nhà đấy. Bởi khi ở trong một môi trường văn minh, thì tự chúng ta sẽ được hưởng những văn minh đó. Vì vậy, bản thân mỗi người dân phải có ý thức, thì mới được hưởng không gian chung văn minh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *